Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội: Chú trọng văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường

VHO- Dựa trên những nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng do TP Hà Nội ban hành, “văn hóa chào hỏi” đã được nhiều nhà trường đưa vào nội dung chính khóa nhằm giáo dục nếp sống văn minh, ứng xử trong học đường cũng như nơi công cộng cho các em. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “đi hỏi, về chào”… lời răn dạy của người xưa đã nói lên tầm quan trọng của lời chào trong giao tiếp, ứng xử giữa mọi người với nhau trong cuộc sống.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội: Chú trọng văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường - Anh 1

 Học sinh lớp 1A5 Trường Tiểu học Bồ Đề cúi chào cô giáo

 Nét đẹp văn hóa của thầy và trò

Nhằm tăng cường giáo dục cho học sinh về Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Trường THCS Thống Nhất (quận Ba Đình) đã tổ chức các buổi chuyên đề Kỹ năng giao tiếp và ứng xử học đường. Tại đây, cô Bùi Thị Nhung, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên môn Ngữ văn chia sẻ nhiều nội dung thiết thực và tổ chức những hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn liên quan đến văn hóa chào hỏi.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của lời chào, cô Nhung khẳng định, chào hỏi là hành vi ngôn ngữ thể hiện phép lịch sự tại thời điểm gặp mặt hay chia tay: “Lời chào phải được cất lên bởi sự chân thành và thái độ niềm nở mới có ý nghĩa. Với bạn bè, chúng ta có thể chào một cách thoải mái với cái đập tay hay nụ cười. Còn với những người xa lạ, hãy cười thật tươi và chào hỏi bằng giọng thân thiện nhất. Việc lịch sự chào hỏi thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công cộng”.

Hưởng ứng phong trào Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng, Trường THCS Mai Dịch cũng thường xuyên tổ chức tiết giáo dục Kỹ năng chào hỏi, giao tiếp văn minh, lịch sự - Văn hóa ứng xử học đường. Từng lời dặn dò gần gũi, thân thương, từng tình huống thực tế được cô giáo Phan Thị Luyến khéo léo lồng ghép đã giúp các em hiểu hơn về cách thức chào hỏi, cách điều chỉnh hành vi ứng xử nơi công cộng, trong trường học sao cho phù hợp, thể hiện sự văn minh, thanh lịch. Với mỗi tiết hoạt động trải nghiệm như vậy, học sinh đều vô cùng thích thú, hào hứng và lập tức thực hành chào hỏi thầy cô trong trường, bác bảo vệ, cô lao công… Tín hiệu đáng mừng còn đến khi nhiều phụ huynh trao đổi lại với nhà trường rằng, đi đến bất kỳ đâu, các em đều ý thức được tầm quan trọng của việc chào hỏi và thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Còn tại Trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên), một tấm biển lớn được đặt trang trọng trước cổng trường với dòng chữ: Giáo viên, học sinh Trường THCS Gia Thụy thực hiện văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường. Được biết, đây là mô hình được triển khai, nhân rộng trong trường từ đầu năm học 2022-2023. Ngoài phổ biến và tuyên truyền trên website, hệ thống phát thanh, nhà trường còn lồng ghép vào các giờ học Đạo đức, Giáo dục công dân, các tiết sinh hoạt ngoại khóa...

Không chỉ Trường THCS Gia Thụy, văn hóa chào hỏi đã và đang được nhân rộng trong nhiều trường học trên địa bàn quận Long Biên; góp phần bồi đắp, lan tỏa văn hóa giao tiếp gắn với hệ thống Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP. Ban Giám hiệu Trường THCS Gia Quất đã triển khai tới 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường thực hiện khẩu hiệu: “Khoanh tay, mỉm cười, cúi chào”. Cách làm này cũng đang được triển khai hiệu quả tại Trường Tiểu học Bồ Đề.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng của TP Hà Nội: Chú trọng văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường - Anh 2

 Học sinh Trường Mai Dịch vui vẻ chào hỏi thầy cô trong trường

Nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng cho học sinh

Chuẩn mực trong ứng xử nơi công cộng được coi là “chìa khóa” của sự thành công. Theo đại diện Trường THCS Thống Nhất: “Văn hóa chào hỏi đã bồi đắp nhiều giá trị tốt đẹp cho cả người thực hiện và người đón nhận. Trong trường, chúng tôi xác định việc này cần triển khai thường xuyên và khéo léo, chú trọng định hướng, không ép buộc và bắt đầu từ việc người lớn làm gương cho trẻ nhỏ. Từ đó mang lại hiệu quả lâu dài, từng bước xây dựng nên “vườn ươm” nuôi dưỡng văn hóa ứng xử nơi công cộng cho lớp trẻ”.

Với Trường THCS Mai Dịch, nhà trường luôn quan niệm, việc khoanh tay, mỉm cười, cúi chào của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân viên trong trường học ở mọi lúc, mọi nơi sẽ kéo mọi người gần lại với nhau, cùng xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh. Văn hóa chào hỏi không chỉ thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, sự quý trọng dành cho nhau mà còn là hành vi ứng xử văn minh tại nơi công cộng các em cần phải nắm được.

Sau thời gian triển khai mô hình, giờ đây, việc thực hiện nếp chào hỏi được học sinh nhiều trường thực hiện như một thói quen tự nhiên. Trong mối quan hệ với các bạn cùng lớp, câu chào hỏi, lời cảm ơn hay xin lỗi không còn xa lạ, ngượng ngùng nữa. Điều quan trọng hơn cả, khoanh tay, mỉm cười, cúi chào tuy chỉ là những cử chỉ nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Các nhà trường đều khẳng định, nét đẹp văn hóa này sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng trong học đường và ngoài xã hội.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, việc xây dựng văn hóa chào hỏi đã trở thành thói quen, hình ảnh đẹp của giáo viên và học sinh tại các trường học ở Thủ đô Hà Nội. Có thể khẳng định, kết quả này đến từ việc đa dạng hóa các hình thức, hoạt động tuyên truyền; tích cực nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. 

THANH NGỌC - ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc